Phát hiện thoát vị bẹn ở trẻ

Thoát vị bẹn ở trẻ em là bệnh lý bẩm sinh, có thể là ngay sau sinh, nhất là ở trẻ đẻ non; cũng có thể là sau vài tháng hoặc vài năm. Có thể xảy ra sau một đợt trẻ ho nhiều hoặc rặn nhiều (táo bón). Thoát vị có thể một bên hoặc cả hai bên, thường gặp ở bên phải nhiều hơn so với bên trái.

Bình thường ở cuối thời kỳ bào thai, ống phúc tinh mạc sẽ tự đóng lại hoặc có thể tự đóng trong những tháng đầu đời của trẻ. Sau 3 tháng tỷ lệ đóng ống tinh phúc mạc sẽ thấp dần cho đến 1 năm tuổi. Trường hợp ống phúc mạc không đóng lại, các cơ quan trong ổ bụng (thường là ruột) ra khỏi ổ bụng, di chuyển vào ống làm thành một khối u phồng lên ở vùng bẹn, gọi là bệnh lý thoát vị bẹn ở bé trai và thoát vị ống nuck ở bé gái.

Biểu hiện của thoát vị bẹn

Biểu hiện thoát bị bẹn là có một khối u ở vùng bẹn - bìu ở bé trai. Kích thước khối u to lên khi trẻ vận động mạnh, ho, khóc, rặn khi đi đại tiện. Khi trẻ nằm yên hay đã ngủ thì khối thoát vị có thể tự chui vào ổ bụng trở lại, lúc đó bé lại như bình thường. Nắn vào vùng ống bẹn, sờ được túi thoát vị. Ở bé gái biểu hiện bằng khối u phồng to ở vùng bẹn hoặc môi lớn. Khi khối thoát vị bị nghẹt, môi lớn sưng đỏ, đau. Trẻ quấy khóc nhiều, toàn bộ bụng có thể đau quặn từng cơn, nhìn có thể thấy các quai ruột nổi lên, kèm theo trẻ có thể buồn nôn hoặc nôn, bụng trướng...

Có thể gây biến chứng nguy hiểm

Thoát vị bẹn, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra hiện tượng: ruột, buồng trứng trong ổ bụng có thể chui vào ống phúc tinh mạc gây nghẹt dẫn đến hoại tử ruột, buồng trứng (ở bé gái); tổn thương tinh hoàn: xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn, nghẹt bó mạch thừng tinh gây hoại tử tinh hoàn (ở bé trai).

Điều trị thế nào?

Khi đã có chẩn đoán là thoát vị bẹn cần được phẫu thuật càng sớm càng tốt. Nếu chưa mổ ngay được thì làm băng ép bên bị thoát vị.

Phương pháp phẫu thuật truyền thống: mổ mở cắt bao thoát vị. Với kỹ thuật mổ, bác sĩ gây mê sẽ giúp trẻ đi vào giấc ngủ và thư giãn cơ bắp. Trẻ sẽ không cảm thấy đau trong khi phẫu thuật. Phẫu thuật là một vết mổ nhỏ nằm theo nếp lằn bụng dưới. Xác định bao thoát vị. Bác sĩ phẫu thuật đẩy ruột hoặc tổ chức bên trong bao thoát vị trở lại vào vị trí thích hợp của nó. Bao thoát vị được phẫu tích lên cao và thắt tại vị trí cao nhất. Thời gian nằm viện điều trị trung bình của trẻ là 2-3 ngày.

Phương pháp mổ nội soi: Gần đây, phẫu thuật nội soi đã được ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh thoát vị bẹn. Phẫu thuật nội soi sử dụng những đường rạch da rất nhỏ để đưa dụng cụ vào trong ổ bụng. Kích thước dụng cụ chỉ 3mm, dành riêng cho trẻ em, vết mổ đạt kết quả thẩm mĩ và giảm đau tối đa sau mổ.

Ưu điểm của phẫu thuật nội soi điều trị bệnh lý thoát vị bẹn là có thể quan sát trực tiếp cả 2 vị trí bẹn để phát hiện và loại trừ sớm nguy cơ trẻ bị thoát vị cả 2 bên. Ở những trẻ dưới 1 tuổi, khả năng thoát vị bẹn cả 2 bên là rất cao, mặc dù 1 bên được phát hiện, bên kia vẫn có khả năng xuất hiện thoát vị bẹn trong tương lai. Nguyên nhân là do vẫn còn tồn tại ống phúc tinh mạc ở cả 2 bên. Nhờ đó, bác sĩ có thể xem xét và phẫu thuật 1 bên hoặc cả 2 bên. Phương pháp mổ nội soi có hiệu quả trong các trường hợp thoát vị bẹn tái phát.

ThS. Lê Thị Hương