Bị chân tay lạnh là biểu hiện bệnh gì ở trẻ em và người lớn ?

Tay và chân thuộc thành phần ngoại vi của cơ thể, do đó nhiệt độ thường thấp hơn các bộ phận khác, đây là lý do vì sao trong những lúc thời tiết lạnh lẽo, rất nhiều người bị tay chân lạnh ngay cả khi cơ thể được ủ ấm trong chăn thì vẫn bị lạnh tay chân và phải mang tất rất lâu. Với những người bị tay chân lạnh trong một thời tiết lạnh là một điều bình thường, không có gì đáng ngại, chỉ cần thực hiện một số biện pháp đơn giản là giữ ấm tay - chân.

Nhiệt độ môi trường thấp khiến mạch máu ngoại biên co nhỏ làm bàn tay tái màu và lạnh ngắt.

Bị chân tay lạnh là biểu hiện bệnh gì? Trong một số trường hợp thì lạnh chân tay là dấu hiệu báo động của một căn bệnh nào đó, thường khi bạn luôn cảm thấy tay chân lạnh thì các bác sĩ phải nghĩ đến những bệnh chứng thường gặp như sau:

Bệnh suy tuyến giáp: Trong trường hợp giảm năng tuyến giáp, tuyến giáp không sản xuất đủ hormon làm cho biến dưỡng cơ thể chậm lại, kém đi, lúc này cơ thể không phát ra đủ nhiệt lượng để điều hòa nhiệt độ cơ thể theo nhu cầu nên ta có triệu chứng tay - chân bị lạnh kèm theo hiện tượng rụng tóc và giảm trí nhớ.

Hiện tượng Raynaud: Bình thường lúc ở trong môi trường lạnh, cơ thể chúng ta tự điều tiết làm co các mạch máu nhỏ ở ngoại biên (tay, chân, đầu ngón tay - chân, mũi, vành tai) để bảo vệ cho phần nhiệt lượng ở trung tâm cơ thể (óc, phổi, bụng), hiện tượng này làm tay chân lạnh và tái. Trong chứng Raynauld, phản xạ tự nhiên này của cơ thể trở nên quá mẫn, quá nhạy cảm với những thay đổi nhỏ của nhiệt độ bên ngoài, ngón tay ngón chân dễ trở nên tái hoặc tím ngắt, lúc bớt lạnh thì trở nên đỏ và sưng; đối với những ca nhẹ thì bệnh nhân chỉ cảm thấy lạnh, khám không thấy gì đặc biệt...chỉ cần mang áo ấm, găng tay, vớ. Tuy nhiên, hiện tượng này thường xảy ra ở người trẻ, phụ nữ và có thể đi kèm theo bệnh thứ phát là phong thấp.

Tình trạng mệt mỏi, lo âu quá sức: Lo âu quá mức làm cơ thể chúng ta bị suy nhược, cảm thấy tay - chân và cơ thể bị lạnh như chúng ta thường hay dùng từ “rét”, vì lúc này cơ thể không đủ năng lượng để thực hiện các chu trình chuyển hóa, không tỏa ra nhiệt lượng đủ để làm ấm cơ thể. Nguyên nhân gây mệt mỏi có thể là thiếu ngủ, stress...

Nhẹ cân: Người quá gầy dễ bị lạnh vì ít mỡ để che chở, khối cơ bắp là nơi phụ trách phát nhiệt chống lạnh ở người gầy cũng ít hơn.

Biếng ăn: Người kén ăn, ăn quá ít sẽ thiếu những chất cung cấp calori tạo nhiệt lượng như: tinh bột, mỡ... làm cơ thể có cảm giác lạnh.

Thiếu máu: Một số người thiếu máu, thiếu sắt thì cơ thể cũng cảm thấy lạnh, trong trường hợp này cần bổ sung sắt, dùng các loại thực phẩm giàu chất sắt như: cá, thịt đỏ, phô mai, ca cao, gan động vật... Các bác sĩ có thể loại trừ nguyên nhân thiếu máu bằng thử nghiệm máu đơn giản: đo lượng huyết sắc tố.

Rối loạn giấc ngủ: Bệnh rối loạn giấc ngủ làm bệnh nhân buồn ngủ ban ngày và không ngủ được vào ban đêm, thỉnh thoảng đột ngột cơ thể bị mềm nhũn, lăn đùng ra ngủ một giấc... Ở những đối tượng này, họ cũng than phiền về chứng lạnh kinh niên. Các nhà chuyên môn cho là do vùng Thalamus trong não bị rối loạn - Thalamus vừa phụ trách tình trạng thức - ngủ, vừa phụ trách về điều hòa thân nhiệt.

Nhiệt độ môi trường: Khi nhiệt độ môi trường quá thấp, cơ thể tiếp xúc quá lâu trong môi trường lạnh làm cho tay - chân trở nên lạnh cóng. Để hạn chế tình trạng này, cần tăng cường dùng nhiều thực phẩm có chứa sắt... Bên cạnh đó cần bổ sung các loại thực phẩm làm tăng nhiệt lượng như: thịt bò, thịt dê, óc động vật...; cần tăng cường luyện tập thể dục, thể thao giúp cơ thể khỏe mạnh, chống rét tốt hơn.

DS. Bùi Ngọc Lan Hương